Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh đặc biệt trong bối cảnh của
cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay. Trong lĩnh vực GDĐT, chuyển đổi số sẽ
hỗ trợ đổi mới GDĐT theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang
phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi
lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập
suốt đời. Chuyển đổi số trong GDĐT tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển
đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh
giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục bao gồm số hóa thông tin quản
lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ
công trực tuyến, ứng dụng các Công nghệ 4.0 để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ
trợ ra quyết định trong ngành GDĐT một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy,
học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng
điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số,
phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các
trường đại học ảo (Cyber university).
Với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, ngày nay không khó để có thể tiếp cận
Internet. Với các mạng xã hội, Sở GD&ÐT thành phố cũng có kế hoạch hướng
dẫn học sinh sử dụng kênh thông tin này sao cho hữu ích, an toàn, tránh bị bao
vây bởi thông tin độc hại cũng như bị bắt nạt trên không gian mạng. Mạng xã hội
cũng là kênh thông tin hữu hiệu, nhanh nhạy, thuận tiện và có tính giải trí cho
giáo viên và các bạn học sinh. Tất nhiên, môi trường Internet nói chung hay
mạng xã hội nói riêng vẫn có những mặt trái nếu học sinh không được hướng dẫn,
tư vấn và đồng hành của phụ huynh, thầy cô. Thực tế trong xã hội đã có những
trường hợp người trẻ tuổi vì bị ảnh hưởng của thông tin sai trái, bạo lực hay
bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo các em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Sau
đây là một vài hướng dẫn nho nhỏ làm sao để khai thác và học tập tốt trên
Internet, phục vụ trong quá trình học tập. Một là sử dụng thành thạo công cụ
tìm kiếm: Trước tiên cần xác định Internet là công cụ để khai thác kho tàng
kiến thức. Do đó, sử dụng tốt một công cụ tìm kiếm sẽ hỗ trợ đắc lực chúng ta
trong quá trình khai thác nguồn tài liệu đó. Hai là tham gia các diễn đàn học
tập, lập các nhóm cùng học tập: Ngày nay, những mạng xã hội phát triển mạnh mẽ
đem lại nhiều tiện ích; trong đó đặc biệt nó có thể làm công cụ tốt phục vụ cho
việc học tập của bạn. Với việc thành lập các nhóm học tập như thế giúp bạn
thuận tiện hơn trao đổi, thảo luận. Ba là phải biết tiết kiệm và tự giác làm
chủ về thời gian: cần phải chủ động về thời gian khi làm việc với Internet. Có
quá nhiều sự hấp dẫn và cám dỗ nếu bạn không chủ động và quản lí tốt thời gian
thì việc khai thác và học tập trên Internet của bạn sẽ không hiệu quả và phản
tác dụng.
Thư
viện điện tử, còn gọi là thư viện số, có thể coi là một kho thông tin số hoá,
được cấu trúc sao cho dễ dàng truy cập thông qua các mạng máy tính hay các mạng
viễn thông quốc tế. Có thể nói thư viện điện tử là một hệ thống thông tin tự
động hoá mà ở đó người ta có thể thu thập, xử lý, lưu trữ, tìm kiếm và phổ biến
các tài liệu dưới dạng số hoá thông qua các phương tiện của công nghệ thông tin
và truyền thông. Lợi ích của thư viện điện tử là dễ dàng truy cập từ xa và
người sử dụng không chỉ truy cập, sao chép các nguồn thông tin nội tại của thư
viện mà có thể với tới nhiều nguồn thông tin từ bên ngoài nhờ các dịch vụ thông
tin liên kết. Thư viện điện tử được xây dựng trên nền tảng của một thư viện
truyền thống nên nó phải tuân thủ những tiêu chuẩn nghiệp vụ căn bản của thư
viện, tuy nhiên có sự điều chỉnh một số giá trị cũ sao cho phù hợp việc ứng
dụng công nghệ mới. Hạt nhân của thư viện điện tử là nguồn tài liệu số hoá.
Trong đó có một bộ phận là tài liệu hiện hữu của thư viện được số hoá (có chọn
lọc), nhưng chủ yếu là các bộ sưu tập tài liệu số mới được xây dựng hoặc sưu
tầm. Thư viện điện tử hoạt động trên nền giao diện Web của môi trường mạng
Internet và Intranet, nên nguồn tài liệu của thư viện điện tử thường được trình
bày định dạng bằng ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản (hypertext markup language).
Ở đó các tài liệu được thiết kế đặc biệt để có thể kết nối với các tập tin khác
thông qua các điểm kết nối siêu văn bản (hypertext link points). Thư viện điện
tử được quản lý bởi một phần mềm tích hợp quản trị thư viện, bao gồm nhiều phân
hệ chức năng và tuân thủ các chuẩn quốc tế về nghiệp vụ thư viện cũng như các
chuẩn về công nghệ thông tin và truyền thông.