Đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) là yêu cầu bắt buộc với các
tổ chức cá nhân (sau đây gọi tắt là cơ sở) sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giấy chứng
nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP là yêu cầu bắt buộc với các cơ sở sản xuất kinh doanh
nông lâm thủy sản (trừ các cơ sở không thuộc diện cấp theo quy định tại khoản
1, Điều 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP).
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận ATTP bao gồm
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết
bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
d) Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp
huyện trở lên cấp;
đ)
Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ
cơ sở và của người trực tiếp sản
xuất, kinh doanh thực phẩm theo
quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý
ngành.
Đối
với thành phần hồ sơ quy định tại các điểm b, d và đ, cơ sở gửi khi nộp hồ sơ
hoặc cung cấp cho Đoàn thẩm định khi đến thẩm định thực tế tại cơ sở.
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận ATTP
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực
phẩm nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho
cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước
có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở
sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận
cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và
nêu rõ lý do.
Trước
06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp
lại được thực hiện như trường hợp cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Để
giảm bớt thời gian đi lại và thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành
chính, các cơ sở có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến qua hệ thống cổng dịch vụ
công quốc gia hoặc qua ứng dụng định danh điện tử VNeID để cơ quan có
thẩm quyền sẽ xem xét xử lý hồ sơ theo đúng quy định.
Để bảo đảm chất lượng ATVSTP
đòi hỏi phải có sự tham gia mạnh mẽ của các cấp
chính quyền, ban ngành đoàn thể, các cơ quan quản lý chuyên ngành,
các doanh nghiệp, người tiêu
dùng và toàn xã hội. Hãy tích cực chung tay tham gia giám sát việc chấp hành
quy định về ATTP của các cơ sở SXKD
nông lâm thủy sản trên địa bàn để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Khi phát hiện
những hành vi vi phạm, hãy thông báo kịp thời cho UBND xã nơi phát hiện vi phạm hoặc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm
sản và thủy sản (Số 02 đường Trần Thánh Tông, phường Thống nhất, TP Nam Định);
ĐT: 0228 3631501; 0228 3637856.